Xây Nhà Không Phát Sinh – mục tiêu tưởng khó nhưng hoàn toàn khả thi khi bạn biết các mẹo sau đây:
Khi nghĩ đến việc xây dựng một căn nhà, không ít người trong chúng ta băn khoăn về ngân sách. Phát sinh chi phí, vượt ngân sách – đây chính là nỗi lo mà hầu như ai cũng phải đối mặt. Nhưng bạn có biết rằng xây nhà mà không phát sinh chi phí là một mục tiêu hoàn toàn khả thi?
Dưới đây là 5 nguyên tắc cốt lõi giúp hạn chế tối đa chi phí phát sinh trong quá trình thi công:
- Thiết kế hoàn chỉnh
Phần lớn các phát sinh bắt nguồn từ thiết kế không đầy đủ: bản vẽ sơ sài, thiếu chi tiết cấu tạo, vật tư không xác định rõ ngay từ đầu. Điều này khiến nhà thầu phải “tự xử lý” theo kinh nghiệm, và hệ quả là chi phí phát sinh không kiểm soát được.
Giải pháp:
- Làm việc với kiến trúc sư và kỹ sư có kinh nghiệm để đảm bảo hồ sơ thiết kế đầy đủ trước khi khởi công: mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, chi tiết cầu thang, mái, toilet, vật liệu hoàn thiện…
- Duyệt hồ sơ kỹ thuật trước khi thi công.
- Phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công ngay từ giai đoạn thiết kế để thống nhất về biện pháp thi công.
- Dự toán chi tiết – Tránh bỏ sót hạng mục
Bảng báo giá chỉ ghi chung chung “thi công phần thô”, “thi công trọn gói”, hoặc báo giá theo m2 mà không liệt kê rõ ràng, chi tiết về khối lượng cũng như chất lượng từng hạng mục như hệ thống điện, cấp thoát nước, sơn nước, lan can, điều hòa, thông gió… Đây là lỗ hổng lớn dẫn đến phát sinh.
Giải pháp:
- Yêu cầu đơn vị thiết kế hoặc nhà thầu lập dự toán chi tiết: từng hạng mục, khối lượng.tương ứng với hạng mục đó, bảng cam kết vật tư phần thô và hoàn thiện
- Làm rõ trách nhiệm: phần nào do chủ đầu tư cung cấp, phần nào do đơn vị thi công cung cấp.
- Chốt thiết bị – vật tư ngay từ đầu
Việc thay đổi vật tư hoàn thiện khi đang thi công – như đổi mẫu gạch, thay đổi loại cửa, nâng cấp thiết bị vệ sinh – là nguyên nhân hàng đầu làm tăng chi phí và làm chậm tiến độ.
Giải pháp:
- Trong giai đoạn thiết kế, CĐT cần xác định trước các thiết bị mình cần sử dụng (thiết bị cho nhà bếp,…), cũng như là vật tư hoàn thiện mình mong muốn (loại gạch, thiết bị vệ sinh, sơn, cửa, đèn,…) để trao đổi với đơn vị thi công và đưa ra bảng báo giá chính xác.
- Thực hiện theo nguyên tắc: “Đã chốt là không đổi”, trừ trường hợp bất khả kháng phải thống nhất với nhau bằng văn bản và có báo giá cụ thể cho phần thay đổi này.
- Hợp đồng rõ ràng – Bảo vệ lợi ích đôi bên
Một hợp đồng không ghi rõ điều khoản về hình thức nghiệm thu, tiến độ thanh toán, tiêu chuẩn kỹ thuật… sẽ gây bất lợi cho chủ đầu tư khi có tranh chấp xảy ra vì thiếu căn cứ rõ ràng .
Giải pháp:
- Hợp đồng phải có đầy đủ phụ lục: bản vẽ thiết kế, bảng khối lượng chi tiết, cam kết vật tư/ thiết bị.
- Quy định rõ trong hợp đồng: chỉ tính phát sinh khi có văn bản thống nhất của hai bên.
- Giám sát thường xuyên – Kiểm soát từ lúc bắt đầu
Thi công sai bản vẽ, sai kỹ thuật sẽ dẫn đến sửa chữa, đập phá – là dạng phát sinh tốn kém cả về chi phí lẫn thời gian mà nhiều gia chủ không lường trước.
Giải pháp:
- Yêu cầu đơn vị thiết kế cử người giám sát công trình trong suốt quá trình thi công.
- Thực hiện kiểm tra và nghiệm thu theo từng giai đoạn (móng, sàn, điện nước, tô trát, lát gạch, hoàn thiện,…).
Phát sinh là điều có thể kiểm soát – nếu bạn chuẩn bị đủ, đúng và từ sớm.
Một bản thiết kế hoàn chỉnh, bảng dự toán chi tiết, vật tư được chốt ngay từ đầu và hợp đồng rõ ràng là những yếu tố giúp bạn đi trọn hành trình xây nhà một cách vững vàng và nhẹ nhàng.
Bởi xây nhà không chỉ là chuyện xây gạch, dựng tường, mà là kiến tạo nơi an trú của cả một đời người. Và sự chủ động trong từng khâu là cách bạn biến hành trình ấy thành trải nghiệm đáng nhớ.