Khi bạn nói: “Tôi muốn xây nhà”, đó không chỉ là việc dựng nên một ngôi nhà bằng bê tông, gạch đá. Đó là một hành trình lớn – hành trình xây dựng một nơi để sống, để yêu thương, để gắn kết các thành viên trong gia đình và còn là nơi đong đầy những kỷ niệm đẹp cùng nhau. Nhưng làm sao để bắt đầu đúng? Làm sao để không lạc hướng trong vô vàn thông tin, ý tưởng và quyết định?
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ từng bước nền tảng giúp bạn hình dung rõ con đường mình sẽ đi khi bắt đầu xây nhà – đặc biệt là với những ai xây dựng ngôi nhà đầu tiên.
- Biết rõ mình muốn gì
Việc đầu tiên, tưởng chừng đơn giản, nhưng lại quan trọng nhất: Hãy xác định rõ nhu cầu của bạn.
- Bạn xây nhà để ở lâu dài hay cho thuê?
- Dành cho gia đình bao nhiêu người?
- Có cần không gian kinh doanh không?
- Ưu tiên tiện nghi hay tiết kiệm chi phí?
- Muốn nhà một tầng, hai tầng hay có sân vườn, gara, ban công?
- Công năng sử dụng ra sao?
Việc trả lời những câu hỏi này giúp bạn định hình mục tiêu rõ ràng. Khi biết mình cần gì, bạn sẽ dễ làm việc với kiến trúc sư, chọn phong cách thiết kế, và tránh bị rối trong quá nhiều lựa chọn.
- Khảo sát khu đất kỹ càng
Nếu bạn đã có đất, hãy tìm hiểu kỹ:
- Kích thước, hình dạng và hướng đất
- Độ cao, nền đất có yếu hay cần ép cọc không?
- Quy hoạch khu vực: có giới hạn chiều cao không?
- Khu vực có hay bị ngập nước, gió lớn không?
- Hạ tầng: điện, nước, internet, thoát nước đã đầy đủ chưa?
Nếu chưa có đất, bạn cần xem kỹ tính pháp lý, quy hoạch và phong thủy trước khi quyết định mua. Một mảnh đất đẹp không chỉ ở vị trí, mà còn phải phù hợp với nhu cầu và điều kiện tài chính của bạn.
- Dự trù ngân sách một cách thực tế
Nhiều người thường nói: “Có nhiêu xây nhiêu” – nhưng đây là cách dễ dẫn đến phát sinh, nợ nần hoặc công trình dang dở.
Bạn có thể chia ngân sách thành các phần:
- Chi phí phần thô (xây dựng khung xương): 50–60%
- Chi phí hoàn thiện (ốp lát, sơn, cửa, thiết bị): 30–40%
- Chi phí nội thất (tủ, bàn, giường, rèm…): 10–20%
- Dự phòng phát sinh: 5–10%
Tỷ lệ chi phí này còn phụ thuộc vào nhu cầu của công trình (càng nhiều tầng thì chi phí phần thô càng cao). Nếu có 1 tỷ, hãy tính sao cho tổng chi không vượt quá 900 triệu, và giữ lại 100 triệu để phòng tình huống không lường trước. Đặc biệt, đừng quên các chi phí “ẩn” như xin giấy phép, ép cọc, tháo dỡ công trình cũ…
- Đừng bỏ qua giấy phép xây dựng
Nhiều người nghĩ rằng “nhà mình, đất mình, muốn làm gì thì làm” – nhưng theo quy định pháp luật, mọi công trình xây dựng đều phải có giấy phép, trừ vài trường hợp đặc biệt.
Để xin phép, bạn cần có:
- Giấy tờ sở hữu đất hợp lệ
- Bản vẽ thiết kế được cấp bởi đơn vị có chứng chỉ hành nghề
- Hồ sơ kỹ thuật theo mẫu quy định
Nếu làm sai, bạn có thể bị xử phạt, phải tháo dỡ phần xây sai phép – vừa mất tiền, vừa mệt mỏi. Hãy làm đúng từ đầu để yên tâm khi thi công.
- Tìm đúng người đồng hành
Xây nhà là hành trình dài. Bạn không thể đi một mình. Vì vậy, hãy chọn cho mình một đội ngũ đáng tin cậy:
- Kiến trúc sư: người giúp bạn “vẽ giấc mơ thành hình khối”
- Kỹ sư xây dựng: đảm bảo tính an toàn, kết cấu vững chắc
- Nhà thầu thi công: biến bản vẽ thành hiện thực
- Đơn vị nội thất: hoàn thiện tổ ấm theo phong cách riêng
Có thể bạn chọn 1 đơn vị làm trọn gói, hoặc chia ra từng nhóm. Quan trọng là họ hiểu bạn, có kinh nghiệm thực chiến, và giao tiếp rõ ràng, minh bạch.
- Chuẩn bị tâm lý: Đây là hành trình, không phải cuộc đua
Xây nhà không phải chuyện một sớm một chiều. Sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt, bị rối bởi nhiều lựa chọn, hoặc không biết phải quyết định ra sao.
Có thể bạn thấy bảng màu quá nhiều, kiểu đèn quá đa dạng, mỗi người góp một ý. Điều đó rất bình thường. Đừng lo. Cứ đi từng bước một. Hãy tin vào sự chuẩn bị kỹ càng, và luôn giữ tinh thần cởi mở.
- Hãy học hỏi từ người đi trước
Một trong những cách tốt nhất để tránh sai lầm là học từ kinh nghiệm người khác:
- Hỏi người quen từng xây nhà
- Đọc các chia sẻ thực tế từ các chuyên gia, chủ nhà
- Tìm hiểu các trường hợp về phát sinh, lỗi sai, hoặc những mẹo hay khi lựa chọn vật tư
Kinh nghiệm thực tế giúp bạn tránh được hàng loạt chi phí không đáng có và tiết kiệm thời gian xử lý rắc rối. Tuy nhiên, tránh trường hợp bạn tham khảo quá nhiều nguồn làm bạn dễ bị rối và hoang mang, bạn nên lựa chọn 2-3 nguồn thông tin tin tưởng và cũng giải đáp với kiến trúc sư/ kỹ sư để họ tư vấn cho bạn.
Tổng kết
Muốn xây nhà – hãy bắt đầu bằng sự hiểu mình. Hiểu rõ mình cần gì, có gì, và sẵn sàng đi cùng ai. Đó là bước đầu tiên để biến mong ước thành ngôi nhà thật sự.
Xây nhà không chỉ là việc kỹ thuật. Đó còn là hành trình của tâm trí, tài chính và cảm xúc. Khi bạn chuẩn bị tốt, bạn sẽ không chỉ có một căn nhà – mà có một tổ ấm đúng nghĩa.